LỊCH SỬ HOẠT ĐỘNG
Nhà Xuất bản Thanh Niên trực thuộc Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh, được thành lập ngày 14-7-1954. Là cơ quan tuyên truyền, giáo dục của Trung ương Đoàn, vũ khí sắc bén về công tác chính trị, tư tưởng và văn hóa của Đảng. Trong 70 năm qua, được sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông và sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, Nhà Xuất bản Thanh Niên đã không ngừng phát triển, đạt được nhiều thành tựu.
Nhà xuất bản Thanh Niên – Giai đoạn từ 1955 đến 1965
Những năm từ 1955 đến 1965, nhiệm vụ của cách mạng miềm Bắc là khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, và ở miền Nam là đấu tranh bảo vệ hòa bình, đánh bại chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.
Tuổi trẻ miền Bắc lúc này hết sức hân hoan vì họ thực sự được hưởng thành quả của độc lập, tự do do cách mạng mang lại. Thanh niên và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, Thanh niên với cách mạng xã hội chủ nghĩa, Tuổi trẻ và ước mơ, Thanh niên nông thôn tiến công vào nghèo đói lạc hậu... là những tên sách tuy mỏng, nhưng xuất hiện kịp thời đã trở thành cẩm nang cho đoàn viên, thanh niên và tuổi trẻ nói chung trong những năm này.
Một hình tượng rất đẹp trở thành một mẫu người có tính lý tưởng của tuổi trẻ in đậm trong lòng bạn đọc chúng ta – đó là nhân vật Paven Corsaghin trong tác phẩm Nga – Xô-viết nổi tiếng “Thé đã tôi thế đấy” của nhà văn Nicolai Ostropski. Paven Corsaghin có thể đến với một số bạn đọc sớm hơn qua nguyên bản tiếng Nga hoặc tiếng Pháp. Nhưng với đông đảo bạn được Việt Nam, Paven Corsaghin trở nên thân thiết qua bản dịch tiếng Việt của hai dịch giả Thép Mới và Huy Vân đến nay cũng gần 60 năm. Có một bản dịch tóm tắt tác phẩm này đã được các chiến sĩ ta chuyền tay nhau đọc trong chiến hào Điện Biên Phủ mịt mù khói đạn có tên là Luyện thành gang thép. Và nhiều người đã nhớ thuộc lòng đoạn văn sau như một phương châm sống: “Cái quý nhất của con người ta là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Đó là điều suy ngẫm của Paven Corsaghin, hình tượng lý tưởng của chúng ta. Và hình tượng lý tưởng của chính Paven Corsaghin lại là Ruồi Trâu, biệt danh của nhân vật chính trong tác phẩm cùng tên của E. L. Voinits, cũng được xuất bản ở Nhà xuất bản Thanh Niên.
Trong khi chúng ta đang đẩy mạnh cách mạng Việt Nam, tiến lên chủ nghĩa xã hội, đang đẩy mạnh Phong trào xung phong tình nguyện, đang Xây dựng phong cách học tập mới, thì đế quốc Mỹ do thất bại liên tiếp trong cuộc “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam đã cho máy bay ra ném bom miền Bắc, mở đầu vào ngày 5-8-1964. Trước tình hình cả nước có chiến tranh, thực hiện chỉ thị của Đảng, đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, ngày 9-8-1964, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Lao động thành phố Hà Nội đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng” trong đoàn viên thanh niên Hà Nội – khởi đầu cho phong trào này của thanh niên cả nước. Nội dung của phong trào này là:
– Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm;
– Sẵn sàng khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào;
– Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào và làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến.
Không lâu sau đó, ngày 15-10-1964, người thanh niên công nhân Nguyễn Văn Trỗi đã bị Mỹ – ngụy đưa ra pháp trường xử bắn. Nguyễn Văn Trỗi nguyên là một chiến sĩ biệt động của thanh phố Sài Gòn. Anh đã nhận nhiệm vụ đặt mìn tại cầu Công Lý – Sài Gòn, nơi bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara sẽ đi qua. Không may kế hoạch bị lộ, anh Trỗi bị bắt. Trước pháp trường, anh đã vứt bỏ mảnh vải bịt mặt, biến pháp trường thành tòa án cách mạng vạch mặt bọn Mỹ cướp nước và lũ tay sai bán nước lúc này do Nguyễn Khánh cầm đầu. Rồi anh hô lớn: “Đả đảo đế quốc Mỹ!”, “Đả đảo Nguyễn Khánh!”, “Việt Nam muôn năm!”
Ngay sau đó Nhà xuất bản Thanh Niên đã tổ chức bộ sách Gương chiến đấu thanh niên miền Nam và tập sách Hãy nhớ lấy lời tôi đã được xuất bản và trở thành một sự kiện có tính chất phong trào của bạn đọc và tuổi trẻ nói chung.
Đại hội Đoàn Thanh niên nhân dân Cách mạng lần thứ nhất họp tại vùng căn cứ kháng chiến Tây Ninh từ ngày 17 đến ngày 26/3/1965 đã quyết định phát động sâu rộng trong đoàn viên và thanh niên trên toàn miền Nam phong trào “Năm xung phong”.
– Xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch;
– Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh;
– Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến;
– Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính;
– Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội.
“Ba sẵn sàng” và “Nam xung phong” là những phong trào hành động cách mạng tiêu biểu của thế hệ thanh niên “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Phong trào có sức cuốn hút đông đảo đoàn viên thanh niên trên mọi miền đất nước, ở mọi vị trí công tác, sản xuất, chiến đấu, học tập, nghiên cứu… Khí thế “Ba sẵn sàng”, tinh thần “Năm xung phong” được bộc lộ rõ và phát huy hiệu quả trên mọi lĩnh vực hoạt động, cũng được phản ảnh trên những trang sách của Nhà xuất bản, và từ đó hai phong trào này lại trở lại với lớp lớp tuổi trẻ, nhưng với hệ số sôi động ở cấp số nhân.
Nhà xuất bản Thanh Niên Giai đoạn từ 1965 đến 1975
Trong các năm 1965-1975, cả năng hăng hái góp phần đánh thắng “chiến tranh phá hoại” trên miền Bắc, “chiến tranh cục bộ” và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ ở niềm Nam. Tuổi trẻ hai miền đã có những cống hiến xuất sắc đưa sự nghiệp giải phóng miền Nam của nước ta đến toàn thắng.
Trên những trận tuyến khác nhau, Thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và chống Mỹ, Tuổi trẻ Thành Đồng, Tuổi trẻ anh hùng, Lê Mã Lương và lý tưởng chiến đấu ...là những tên sách trở thành hành trang của tuổi trẻ trên mặt trận chiến đấu giải phóng Tổ quốc …
Tay súng đã vững vàng, song tay búa, tay liềm, tay bút và việc rèn luyện tu dưỡng cung không bị xem nhẹ. Bạn đọc thời gian này vẫn còn giữ ấn tượng sâu đậm với những tên sách: Lý tưởng, ước mơ và nghĩa vụ, Vấn đề rèn luyện của thanh niên, Đường vào khoa học, Con đường dẫn đến tài năng, Noi gương những người cộng sản …
Trong giai đoạn này mảng sách văn học về đề tài chiến đấu bảo vệ Tổ quốc có thể coi là niềm tự hào không chỉ của Nhà xuất bản Thanh Niên, mà của cả ngành xuất bản Việt Nam. Nói đến mảng đề tài này, bạn đọc trẻ nói riêng và bạn đọc nói chung không thể quên được những tác phẩm: Bất khuấtcủa Nguyễn Đức Thuận, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Dưới đám mây màu cánh vạccủa Thu Bồn, Đất mặn của Chu Văn, Mẫn và tôi của Phan Tứ, Thôn ven đường của Xuân Thiều…
Người lính chống Mỹ đã có những nét mới mà thế hệ đàn anh đánh Pháp phải thừa nhận: “Ngày mình (Nhẫn, trong “Dấu chân người lính” bằng tuổi cậu (Khuê, trong sách đó), tức là hồi đầu kháng chiến chống Pháp, mình chưa biết nghĩ đến những vấn đề chiến thuật như cậu và kinh nghiệm chiến đấu thực tế cũng chưa có gì. Ngày đó chúng mình đánh nhau với thằng Pháp hãy còn lớ ngớ lắm, chính mình cũng chỉ mới biết lắp viên đạn vào khẩu súng trường”. Đúng là tuổi trẻ Việt Nam thời đánh Mỹ đã xuất hiện với một tầm vóc khác hẳn các thế hệ trước của họ. Họ ý thức về mình khi vào trận, hoặc đứng trước kẻ thù: “Kể từ giờ phút này, tôi ý thức sâu sắc rằng mỗi sợt tóc, mỗi giọt máu, mỗi mảng thịt trên người tôi đâu có còn là của riêng tôi. Tất cả đã thuộc về cách mạng. Cách mạng trao tôi cho tôi. Và tôi nguyện phải quản lý trung thành tài sản của cách mạng” (Bất khuất).
Tác dụng giáo dục của sách đối với bạn đọc nói chung và bạn đọc trẻ nói riêng là vô cùng lớn: “Thế hệ thanh niên chúng toi được như hôm nay là do có sự giáo dục, dìu dắt của Đảng và Đoàn. Tôi cũng thừa nhận ảnh hưởng không nhỏ của sách báo cách mạng. Những bộ sách của Nhà xuất bản Thanh Niên là sách gối đầu giường của chúng tôi” – đó là ý kiến của Anh hùng Lực lượng vũ trang Trịnh Tố Tâm, người sau này là Bí thư phụ trách công tác tư tưởng của Trung ương Đoàn.
Điều đó chứng tỏ sách văn học với định hướng đúng là một phương tiện tập hợp và cổ vũ thế hệ trẻ rất có hiệu quả.
Cũng trong giai đoạn này, bộ sách về truyền thống lịch sử và dân tộc đã được tổ chức và sớm được bạn đọc trẻ đón đọc – đó là những tên sách Những người trẻ làm nên lịch sử, Những vì sao đất nước…
Một bộ sách về những danh nhân thế giới và văn học nước ngoài đã có vị trí đáng kể trong việc trang bị kiến thức cho bạn đọc chúng ta: Tuổi trẻ Các Mác, Mùa xuân của một thiên tài, Tuổi trẻ Lênin, Đội cận vệ thanh niên, Hải Âu, Truyện một người chân chính, Ngày phán xử cuối cùng, Xa Mạc Tư Khoa, Viết dưới giá treo cổ…
Vừa chẵn 24 năm sau ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào tại Quảng trường Ba Đình, vào hồi 9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969, trái tim tận tụy và bao dung của vị Cha Già dân tộc, Bác Hồ kính yêu của lớp lớp thế hệ trẻ đã người đập sau 79 năm làm việc không ngừng nghỉ cho “một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người chiễn sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới. Người đã đi xa nhưng Người đã để lại cho chúng ta một di sản rất quý bảu – đó là sự nghiệp vĩ đại, tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người. Với bạn đọc nói chung và bạn đọc của Nhà xuất bản Thanh Niên nói riêng, Bác Hồ đã để lại cho mọi người chân lýKhông có gì quý hơn Độc lập Tự do. Hồ Chủ tịch với miền Nam, ghi lại những mẫu chuyện cảm động cho thấy, với Bác Hồ “Miền Nam luôn luôn ở trong trái tim tôi”, và với cả dân tộc cũng như với tuổi trẻ Việt Nam, mãi mãi Người là niềm tin…
Bộ sách Bác Hồ Kính yêu là niềm tự hào của Nhà xuất bản Thanh Niên, là lời hứa thiêng liêng của tuổi trẻ Việt Nam mãi mãi đi theo con đường của Bác.
Nhà xuất bản Thanh Niên – Giai đoạn từ 1975 đến nay
Những năm từ 1975 đến nay là giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thống nhất, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sau Đại thắng Mùa xuân 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, Quốc hội khóa VI (6-1976) long trọng tuyên bố lấy tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tổ chức Đoàn cả nước đã phát động cuộc vận động thi đua thực hiện 4 phong trào lớn:
– Phong trào lao động tình nguyện xây dựng Tổ quốc và lao động tình nguyện vượt mức kế hoạch trong khu vực sản xuất.
– Phong trào quyết thắng trong các lực lượng vũ trang.
– Phong trào học tập trong các tầng lớp thanh niên. Riêng trong các trường học là phong trào thi đua xây dựng tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa.
– Phong trào rèn luyện thân thể và thực hiện nếp sống mới.
Tại lễ kỷ niệm 45 năm thành lập đoàn (26-3-1976), tổ chức Đoàn cả nước đã thống nhất mang tên chung là Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh. Sau đó, thể theo nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên và thanh niên cả nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức IV của Đảng đã quyết định đổi tên Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và chỉ rõ nhiệm vụ của Đoàn và phong trào thanh niên trong giai đoạn mới là: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải được xây dựng và củng cố vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng là trường học cộng sản chủ nghĩa của lớp người trẻ tuổi, là cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng, Đoàn phải giáo dục, rèn luyện thanh niên…thành những con người mới xã hội chủ nghĩa có lý tưởng cao đẹp, có khí phách anh hùng “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”..
Thời thanh niên của Bác Hồ chính là tên sách giúp cho thanh niên biết “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Đây là cuốn sách với những tư liệu xác thực giúp mọi người hiểu về Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc trong những năm học hành, trong những năm tháng đi tìm đường cứu nước, trong cuộc chiến đấu chống đủ mọi loại kẻ thù để vướn tới chiến thắng. Bên cạnh đó là những tên sách quý: Đường Bác Hồ đi cứu nước , Đồng chí Hồ Chí Minh, Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh, Bỗng nghe vấn thắng vút lên cao, Bao la nhân ái Hồ Chí Minh…
Công cụ định hướng cho việc giáo dục, rèn luyện thanh niên là những tên sách được chọn lọc và biên tập rất có trách nhiệm:Giáo dục trong thực tiễn, Hình thành niềm tin cộng sản cho thế hệ trẻ, Giáo dục thái độ cộng sản đối với lao động, Những nguyên lý Lêninit về giáo dục thanh niên, Cán bộ Đoàn phải là người như thế nào, Nhật ký cán bộ Đoàn trong trường học, Trưởng thành...
Sách văn học có những cuốn sống lâu dài trong ấn tượng của bạn đọc trẻ, hoặc được giải thưởng của Hội Nhà văn hoặc Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật: Mẫn và tôi, Dòng sông phẳng lặng, Cửa gió, Hạt mùa sau, Lời nguyền hai trăm năm, Gió của mùa sau, Mở rừng, Góc tăm tối cuối cùng, Chân dung và đối thoại, Đảo chìm, Học phí trả bằng máu, Thăng Long ký…
Phần sách văn học nước ngoài giai đoạn này cũng có những thành công đáng kể: Thuyền trưởng và đại úy, Trông chết…cười ngạo nghễ, Nam tước Phôn Gônrinh, Người tình tuyệt vời…
Mảng sách Cội nguồn dân tộc và Tuổi trẻ lỗi lạc là đặc trưng của Nhà xuất bản Thanh Niên: Trần Phú, Người thợ máy Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Tiến – người vẽ cờ Tổ quốc, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Hoàng Tôn, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thái Bình, Kỳ tích Chi Lăng, Câu thơ yên ngựa, Danh nhân đất Việt, Các triều đại Việt Nam…
Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, đất nước gặp muôn vàn khó khăn về kinh tế. Vấn đề giá – lương – tiền ảnh hưởng đến đời sống mỗi gia đình và nhất là những người làm công ăn lương. Tiếp đó là sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, khi thể chế chính trị ở các nước này bị thay đổi quá sớm trước khi mô hình kinh tế xã hội được cải tổ.
Chính những năm này, một vấn đề trực tiếp tác động đến Nhà xuất bản là Nhà nước không còn bao cấp như mấy chục năm trước nữa. Sách của Nhà xuất bản phải theo định hướng của Đảng, phải là vũ khí sắc bén của công tác chính trị tư tưởng của Đảng, của Đoàn, nhưng Đảng Đoàn và Nhà nước không “bao tiêu” sản phẩm qua cơ quan phát hành nữa. Nhà xuất bản phải tự tìm lấy đầu ra, tìm lấy khách hàng…
Hệ thống thư viện, mạng lưới phát hành qua các tổ chức Đoàn địa phương, các cơ quan tuyên huấn của một số quan binh chủng…đã góp phần tạo số lượng ổn định cho các tên sách. Thị phần sách của Nhà xuất bản tuy còn khiêm tốn, nhưng lại tránh được cuộc đua bất tận của xu thế thương mại hóa, giữ được tính lành mạnh là cơ bản trong hoạt động xuất bản.